Nếu đi du lịch đến những vùng đất này, bạn nhớ đừng bỏ qua những món bún vốn là đặc sản ngon khó cưỡng ở nơi đây.
Bún chìa Buôn Ma Thuột
Bún chìa (hay còn gọi là bún giò chìa) có nước dùng khá giống với bún
bò Huế. Khác biệt lớn nhất là ở phần nguyên liệu. Thay vì sử dụng thịt
bò, người dân vùng cao nguyên này sử dụng phần tảng thịt phía chân sau
của con lợn.
Thịt được chọn đem về rửa sạch, sau đó ninh cho chín nhừ trong nồi
nước dùng, tiếp đó vớt ra để nguội. Mỗi khi có khách gọi món, chủ quán
lại lấy từng khúc giò chìa đem thả vào nồi nước dùng cho nóng, sau đó
cho vào tô bún đã có sẵn chút mắm ruốc, sau cùng là cho hành lá, hành
tây và chan nước dùng nóng hổi vào bát. Món bún giò chìa được ăn kèm với
rau sống giúp thực khách cảm thấy ngon miệng và không bị ngấy.
Bún cá Châu Đốc
Bún cá Châu Đốc nổi tiếng là món ăn đậm đà nhiều vị. Để nấu được một
tô bún cá ngon, người nấu phải thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ. Nước
dùng của bún cá được nấu bằng nước luộc cá, cá sử dụng phải là loại cá
lóc. Nghệ tươi băm nhuyễn, sả đập và mắm ruốc đã lọc được nước trong là
những thành phần không thể thiếu để có một nồi bún cá Châu Đốc đúng
điệu. Món cá dùng trong bún cá Châu Đốc phải là cá lóc, nạc cá tách
xương tỉ mỉ, xào sơ với nghệ để có màu vàng đẹp và mùi thơm. goài ra,
một món ăn kèm không thể thiếu trong tô bún cá Châu Đốc phải kể đến là
thịt heo quay. Heo quay phải là loại vừa có nạc, vừa có mỡ và da giòn
nhẹ.
Bún bò Huế
Không cần phải đến Huế bạn mới có thể được thưởng thức món ăn này,
tuy nhiên nếu có dịp đến đây, bạn nên thử để cảm nhận hương vị riêng
trên mảnh đất sản sinh ra nó. Nét đặc trưng của bún bò Huế là những sợi
bún to, tròn, dai, trắng muốt trong khi nước dùng có màu đỏ đặc trưng,
phía trên bày thêm thịt bắp bò, chả Huế và miếng giò heo.
Khi ăn, bên cạnh đĩa chanh, ớt, món bún bò Huế không thể thiếu rổ rau
sống gồm rau thơm, giá và bắp chuối thái nhỏ. Vị cay cùng hương thơm
đậm đà của mắm ruốc tạo nên nét rất riêng cho món ăn này. Một số quán
bún bò Huế tại thành phố sông Hương mà du khách có thể ghé qua nằm trên
đường Bạch Đằng, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Sinh Cung, Thương Bạc, Lý
Thường Kiệt...
Bún tôm Hải Phòng
Là món ăn đặc trưng đất Cảng, ngày nay bún tôm được yêu thích ở nhiều
nơi trên cả nước bởi hương vị đặc trưng. Thành phần chủ yếu của món ăn
này gồm bún và tôm sú, ngoài ra là các loại rau có thể thay đổi theo mùa
như cần, cải xanh, dọc mùng... Khác với các món bún thông thường, nước
dùng của món bún này được chế từ nước luộc tôm và xương ninh nên có vị
ngọt thanh, đậm đà.
Khi lên bát, bún tôm còn có thể cho thêm vài miếng chả lá lốt, chả
cá, mộc nhĩ thái chỉ khiến món ăn không chỉ đầy đặn mà còn bắt mắt hơn.
Đó là bởi sự hòa quyện của màu đỏ tôm, màu xanh rau, màu trắng bún, màu
vàng chả và màu đen mộc nhĩ. Địa chỉ cho món bún tôm ở Hải Phòng là phố
Lương Khánh Thiện, Trần Quang Khải, Cát Dài...
Bún chả Hà Nội
Hà Nội không thiếu những món ăn ngon nhưng để hiểu một phần ẩm thực
nơi đây, bạn không nên bỏ qua bún chả. Cũng giống như phở, bún chả có
mặt ở hầu khắp các con phố, ngõ xóm thủ đô với nhiều biến tấu khác nhau.
Trong đó, phổ biến nhất là đĩa bún rối với bát nước chấm su hào, cà rốt
gồm cả chả miếng và chả viên.
Chả miếng được làm từ những miếng thịt lợn thái mỏng, đủ cả nạc và
mỡ, tẩm ướp gia vị sau đó nướng trên than hoa đến khi chín có màu cánh
gián. Kỳ công hơn một chút là món chả viên bởi trước khi rán, thịt phải
được băm nhuyễn rồi nêm nếm cho vừa miệng. Chả có thể nặn không rồi rán
vàng, còn tỉ mỉ hơn thì cuốn thêm lá lốt, lá xương sông để giòn và thơm
hơn. Bún chả dễ ăn nên rất thích hợp trong những ngày nắng nóng. Thêm
chút rau sống tươi ngon món ăn càng trở nên hấp dẫn. Bạn có thể đến phố
Hàng Mành, Hàng Than, Bạch Mai, ngõ chợ Đồng Xuân... để thưởng thức món
ăn này.
Bún mắm nêm đã trở nên rất quen thuộc, gần gũi với người dân Đà Nẵng.
Nó là đặc sản bình dân mà bạn có thể tìm ăn ở bất cứ đâu trong thành
phố Đà Nẵng. Bún mắm nêm. Món ăn có 2 thành phần chính là bún và mắm,
thêm rau sống, đậu phụng rang, mít non luộc, thịt heo quay hoặc heo
luộc, nem chả tùy vào sở thích của mỗi người và các loại gia vị đi kèm.
Điểm đặc sắc của bún mắm Đà Nẵng đến từ mắm nêm. Mắm nêm được làm từ
cá cơm rửa sạch bởi nước biển, ướp với muối theo công thức lưu truyền.
Khi mắm chín sẽ có mùi thơm ngào ngạt đặc trưng, lan tỏa khắp vùng,
quyến rũ mọi khứu giác của thực khách.
Bún sứa Nha Trang
Lạ miệng và là đặc sản Nha Trang là lý do mà bạn nên thử bún sứa khi
đến thành phố biển của Khánh Hòa. Món ăn tuy không bắt mắt về màu sắc do
nguyên liệu chủ yếu là bún và sứa đều có màu trắng nhưng lại hấp dẫn
bởi hương vị biển đặc trưng. Sứa chọn làm bún nhỏ, có màu trắng đục, dày
mình, sau khi sơ chế phải đảm bảo được vị ngọt tự nhiên và giòn sần
sật. Trong khi đó nước dùng được làm từ cá không làm mất đi vị sứa mà
lại ngọt thanh hòa quyện.
Để bún sứa không đơn điệu người ta có thể ăn kèm chả cá cùng chút rau
sống. Sau khi chan nước dùng nóng hổi, thưởng thức bát bún sứa người ăn
như cảm nhận được hương vị biển nồng nàn trong từng miếng nhỏ. Bởi vậy,
dù có biết bao sản vật thơm ngon, Nha Trang vẫn hấp dẫn thực khách bởi
những bát bún sứa giản đơn mà thi vị. Đường Phan Bội Châu, Ngô Gia Tự,
Hàn Thuyên là địa chỉ tham khảo cho món bún sứa khi đến Nha Trang.
Bún nước lèo Sóc Trăng
Bún nước lèo hay bún mắm là đặc sản nổi tiếng miền Tây Nam Bộ, đặc
biệt là ở Sóc Trăng. Như tên gọi, phần nước lèo (nước dùng) là yếu tố
quyết định độ ngon của bát bún. Nước lèo được nấu bằng xương ống, sườn
lợn, tôm thẻ hoặc củ cải trắng và thêm nước dừa tươi để có vị ngọt
thanh. Tuy nhiên, điều làm nên đặc trưng cho nước lèo lại nằm ở mắm cá
sặc cho thêm. Trong suốt quá trình nấu và sôi nước, người làm phải hớt
bọt thật kỹ để nước trong đẹp mắt, thêm chút sả cây để dậy mùi hương.
Bún nước lèo có thể ăn kèm cá lóc luộc lọc xương, tôm tươi lột vỏ,
thịt quay xắt nhỏ và các loại rau. Hương thơm dịu nhẹ, quyến rũ của mắm
trong bát nước lèo cùng vị giòn dai của thịt quay, ngọt đậm đà của tôm
thịt sẽ khiến bạn nhớ mãi món ngon đậm chất miền Tây Nam Bộ này. Địa chỉ
gợi ý dành cho bạn ở thành phố Sóc Trăng là quán bún nước lèo ở đường
Võ Đình Sâm, Nguyễn Trung Trực hoặc đường Lê Lợi, khu chợ cũ huyện Mỹ
Xuyên.
Bún đậu mắm tôm Hà Nội
Bún đậu mắm tôm là món đặc sản bình dân được hâm mộ vào bậc nhất đất
Hà Thành. Những bánh bún trắng ngần chấm cùng mắm tôm tơi bọt, đậu rán
rộm vàng, dù hình thức không quá bắt mắt nhưng sự kết hợp của những
nguyên liệu giản đơn ấy cũng làm không ít người mê mẩn. Vốn có mặt từ
lâu ở Hà Nội, món ăn vẫn duy trì sức hút đến tận hôm nay bởi chính hương
vị độc đáo, không cầu kì hoa mĩ. Bún đậu ai cũng có thể làm, nhưng cách
chế biến mắm tôm ở mỗi nơi lại có sự riêng biệt, nên ai yêu thích cũng
đều có một vài địa chỉ quán ruột cho riêng mình.
Bún cá Thái Bình
Bún cá đất Thái Bình nổi tiếng nhất phải kể tới bún cá Quỳnh Côi. Nếu
như người Thái Bình gọi món bún này là canh cá thì người Hải Phòng lại
gọi là bánh đa cá. Bánh đa giống như sợi mỳ trắng vùng Tây Bắc được nấu
từ “gạo nhà cày”, tráng mỏng thái sợi vừa đủ. Ăn vừa dai giống phở lại
vừa mềm như bún, cách làm thì chỉ có người dân Thái Bình nắm giữ. Bát
canh cá sẽ chưa trọn vẹn nếu thiếu màu rau xanh, hành lá, thì là. Lúc
thì dùng rau cải, rau cần mùa lạnh, lúc thì dùng ngót hay rau nhút mùa
nóng, mùa nào thức nấy. Miếng cá rô đồng vừa dai, vừa giòn nhưng không
bở bùng bục như… “cá thành phố”, (ám chỉ loại cá nuôi bằng thức ăn tăng
trọng). Người làm chắc hẳn cũng có bí quyết riêng và cách chế biến kỳ
công. Rõ mùi nghệ, gừng vẫn còn thơm nguyên, hẳn được cho vào khi ướp
cá.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét